Người bệnh nam P.V.K, 85 tuổi, trú tại Việt Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Tối 6/2/2021 vừa qua, người bệnh đột ngột thấy chóng mặt nặng, mệt thỉu, tức ngực và liên tục có cơn choáng được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo. Người bệnh nhanh chóng được TS.BS. Chu Dũng Sĩ – Chuyên gia từ Hà Nội xuống công tác tại Bệnh viện tiếp nhận thăm khám và nhanh chóng đưa ra chẩn đoán “Tụt Huyết áp, xuất huyết tiêu hóa nặng, ngoại tâm thu nhĩ, theo dõi rung nhĩ cơn, Theo dõi Rối loạn chức năng đông máu’’ trên nền người bệnh được đặt 3 Stent Động mạch vành, nhồi máu cơ tim cũ, hở mức độ nhiều van Động mạch chủ và mức độ vừa van Hai lá, xơ gan, khai thác trong tiền sử có rung nhĩ cơn đang sử dụng thuốc chống đông. Ngay lập tức, người bệnh được đưa vào theo dõi và xử trí ngay tại Phòng Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện.

Người bệnh được xác định tụt huyết áp do xuất huyết tiêu hóa nặng, có tình trạng vô cùng nguy hiểm: Mất nhiều máu, mạch đập nhanh nhỏ, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, tinh thần hoảng loạn, ý thức bắt đầu lơ mơ, khi thăm trực tràng phát hiện xuất huyết tiêu hóa nặng, Điện tâm đồ và Siêu âm tim cấp cứu ban đầu cơ bản đã loại trừ được Hội chứng vành cấp.

Kết quả xét nghiệm cho thấy: Động học men tim tăng nhẹ, ổn định; Rối loạn chức năng đông máu nặng; Điện tâm đồ có rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu nhĩ, thiểu năng mạch vành, hình ảnh nhồi máu cơ tim cũ, … Đánh giá thấy người bệnh có nguy cơ sốc mất máu nặng và nguy cơ xuất huyết não.

Trước tình huống nguy kịch của người bệnh, TS.BS. Chu Dũng Sĩ cùng các bác sĩ tua trực là ThS.BS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng đơn vị hồi sưc cấp cứu, Bs.Mạc Duy Quang, Bs.Cao Xuân Cảnh nhanh chóng xử trí cấp cứu hồi sức tích cực cho người bệnh, ngay lập tức người bệnh được xử trí cầm máu và truyền máu tích cực,…

Để ứng phó ngăn chặn kịp thời các tình huống nguy kịch có thể xảy ra ngay trước mắt, đặc biệt nguy cơ xuất huyết não, sốc nặng,… Bằng kinh nghiệm lâm sàng trên thực tế, TS.BS. Chu Dũng Sĩ đã đưa ra quyết định bằng những phương pháp hồi sức với phác đồ tối ưu nhất đã giải nguy cho người bệnh và xử lý kịp thời tình trạng rối loạn đông máu nặng, cầm máu được và đưa tình trạng rối loạn đông máu nặng trở về chỉ số an toàn với một thời gian ngắn ngay trong 3 giờ đầu.

Đến 10/2/2021, người bệnh đã ổn định, xuất viện về nhà đón xuân năm mới cùng gia đình. Xúc động, vui mừng, gia đình đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến TS.BS. Chu Dũng Sĩ, ThS.Bs. Nguyễn Tiến Dũng, Bs. Mạc Duy Quang, Bs. Cao Xuân Cảnh, Điều dưỡng Đỗ Thị Huệ cùng kíp trực cũng như toàn thể các y bác sĩ của Bệnh viện.

TS.BS. Chu Dũng Sĩ – Phó Giám Đốc Bệnh viện nhận định: Chảy máu tiêu hóa do rối loạn đông máu nặng thường gặp các biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Mặc dù hiện nay đã có sự phát triển rất tốt của hồi sức, can thiệp nội soi tiêu hóa cũng như các phương pháp điều trị khác, tuy nhiên tỷ lệ tử vong của xuất huyết tiêu hóa còn cao hoặc nhiều trường hợp vẫn rất khó kiểm soát, nhất là trong bệnh cảnh rối loạn chức năng đông máu nặng lại xảy ra trên người bệnh bị xơ gan sẽ khiến cho tình trạng mất máu trầm trọng hơn, không thể tự cầm. Nếu người bệnh không được cấp cứu và xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao do xuất huyết gây chảy máu ồ ạt như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa nặng và sốc mất máu….

Theo TS.BS. Chu Dũng Sĩ, thường thì tất cả các ca bệnh bị xuất huyết cấp tính do rối loạn chức năng đông máu đều cần phải được xử trí cấp cứu kịp thời, với khả năng kiểm soát đường thở, vận mạch, truyền máu kịp thời kết hợp với cầm máu điều trị xử trí tình trạng rối loạn chức năng đông máu nặng bằng phác đồ chuyên ngành sâu để xử trí căn nguyên đảo ngược tình thế là những yếu tố then chốt quyết định thành công của ca bệnh. Khi điều trị rối loạn nhịp tim cũng như rung nhĩ, rung nhĩ cơn, suy tim nặng, nhồi máu cơ tim…, người bệnh thường phải sử dụng những thuốc chống đông nên cần được khám kiểm tra định kỳ đặc biệt là cần theo dõi bởi các BS chuyên khoa sâu về lĩnh vực Tim mạch.

Leave a reply