Viêm phổi là tình trạng viêm ở nhu mô phổi, do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Bệnh rất thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Những ngày gần đây, số bệnh nhi bị Viêm phổi đến khám và điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo tăng đột biến. Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong 4 ngày qua, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo đã tiếp nhận 19 trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị Viêm phổi.

BSCK Nguyễn Thị Luyến, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo cho biết: “Viêm phổi ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây lan và có thể đe dọa tới tính mạng của trẻ. Bệnh viêm phổi có thể lây truyền từ bệnh nhân sang những người xung quanh. Bệnh nhân viêm phổi có thể phát tán mầm bệnh như virut, vi khuẩn, nấm… qua những hạt nước bọt nhỏ li ti bắn ra khi ho, hắt hơi hay nói chuyện… Các nguyên nhân thường gặp gây viêm phổi ở trẻ em là virus (virus hợp bào hô hấp – RSV, cúm, Adenovirus,…), vi khuẩn (phế cầu -Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, tụ cầu, liên cầu,…), ngoài ra còn có các tác nhân ít gặp hơn như nấm, ký sinh trùng,…Phế cầu và Haemophilus influenzae là hai nguyên nhân vi khuẩn hàng đầu cần chú ý đối với bệnh viêm phổi ở trẻ em.”

Viêm phổi có thể đe dọa tính mạng trẻ

1. Khi mắc viêm phổi trẻ có biểu hiện như thế nào?

Khi viêm phổi trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

  • – Trẻ có thể biểu hiện tình trạng nhiễm trùng như: sốt nhẹ hoặc hạ nhiệt độ (thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ đẻ non), mệt mỏi, quấy khóc hoặc li bì, ăn kém hoặc bỏ ăn.
  • – Biểu hiện ở hệ hô hấp:
    • + Ho khan hoặc ho xuất tiết có đờm.
    • + Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi.
    • + Thở khò khè hoặc thở rít.
    • +Nhịp thở nhanh: cha mẹ sẽ đếm nhịp thở của trẻ bằng cách để trẻ nằm yên, không hoạt động gắng sức (không bú, không quấy khóc,…), đếm nhịp di động của lồng ngực hoặc bụng trong trọn vẹn 1 phút, trẻ thở nhanh khi:
      • > 60 lần/phút ở trẻ < 2 tháng.
      • > 50 lần/phút ở trẻ từ 2 – 12 tháng.
      • > 40 lần/phút ở trẻ từ 1 – 5 tuổi.
    • + Trường hợp nặng có thể xuất hiện rối loạn nhịp thở, thở không đều hoặc thở chậm, thậm chí có cơn ngừng thở.
    • + Dấu hiệu của khó thở như rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở rên, tím tái,…
  • – Trẻ có thể xuất hiện rối loạn tiêu hóa (như ỉa lỏng, chướng bụng, nôn,…)

2. Dấu hiệu nào cho biết trẻ cần đi cấp cứu?

Khi trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng cha mẹ cần phải đưa trẻ đi cấp cứu ngay:

  • – Với trẻ < 2 tháng:
    • + Trẻ bỏ bú hoặc bú kém.
    • + Trẻ co giật.
    • + Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
    • + Trẻ sốt hoặc lạnh.
    • + Trẻ thở khò khè hay xuất hiện tím (tím quanh môi, nổi vân tím toàn thân,…).
  • – Với trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi:
    • + Trẻ không thể uống được.
    • + Trẻ co giật.
    • + Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
    • + Trẻ thở có tiếng rít.
Trẻ bỏ bú hoặc bú kém là triệu chứng của viêm phổi

3. Làm thế nào để phòng viêm phổi cho trẻ?

Có thể phòng tránh viêm phổi ở trẻ em nhờ một số biện pháp sau:

  • – Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ khi mang thai, quản lý tốt thai nghén, hạn chế tai biến sản khoa (đẻ non, ngạt, nhiễm trùng sau sinh,…).
  • – Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt, giữ ấm cho trẻ, tránh để lạnh, tránh để việc thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
  • – Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
  • – Giữ vệ sinh môi trường.
  • – Tránh để trẻ tiếp xúc và dùng chung đồ dùng với bệnh nhân với người đang mắc bệnh lý hô hấp.
  • – Thường xuyên rửa tay sạch với nước và xà phòng diệt khuẩn
BSCK Nguyễn Thị Luyến, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo thăm khám cho trẻ bị Viêm phổi

Viêm phổi ở trẻ em là bệnh lý truyền nhiễm thường gặp nhưng nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng trẻ, do đó phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất có ý nghĩa. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo với cơ sở vật chất đầu tư hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm là địa chỉ tin cậy đối với các bậc phụ huynh.

Leave a reply