Vừa qua, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo tiếp nhận nam bệnh nhi 14 tuổi ở Nhân Hoà, Vĩnh Bảo, Hải Phòng vào viện vì hoa mắt, chóng mặt ngày thứ 5 không rõ nguyên nhân. Trẻ da xanh, huyết áp thấp, chẩn đoán thiếu máu nặng vì xuất huyết tiêu hóa, bệnh Nhi đã có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng 2 năm trước.
Bệnh nhân là bé T.V.T, có biểu hiện chóng mặt ngày thứ 5, ăn uống kém, kèm đại tiện phân đen. Gia đình cho biết ở nhà, trẻ không có dấu hiệu bất thường gì khác.
Bác sĩ Khoa Nhi của bệnh viện khám, thấy trẻ có biểu hiện da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, ấn tức vùng thượng vị. Trẻ nhanh chóng được làm các xét nghiệm máu, siêu âm và chụp X-quang ổ bụng kiểm tra. Kết quả, trẻ có tình trạng thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hóa nguyên nhân vì nhiều ổ loét vùng tá tràng.
Bệnh nhân được điều trị cầm máu, truyền máu, sử dụng thuốc giảm tiết acid. Sau 3 ngày điều trị tích cực, trẻ da niêm mạc hồng, bắt đầu ăn cháo nguội, tình trạng cải thiện hơn. Nội soi kiểm tra vết loét đã cầm máu ổn định các xét nghiệm công thức máu có cải thiện rõ rệt.
Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa ở trẻ
Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân máu với các mức độ biểu hiện khác nhau.
Xuất huyết tiêu hóa có rất nhiều nguyên nhân. Theo BSCKI: Nguyễn Thị Luyến – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo: trẻ bị xuất huyết tiêu hóa trên có thể do viêm, loét thực quản; viêm dạ dày tá tràng trong ngộ độc, stress, dị ứng thức ăn, thuốc; loét dạ dày tá tràng; chảy máu đường mật hoặc do dị vật tiêu hóa.
Trẻ có u máu ruột non; viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do các vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào niêm mạc ruột; viêm trực tràng, đại tràng do nhiễm khuẩn; viêm ruột non hoại tử ở trẻ lớn; viêm đại tràng do dị ứng thức ăn; nứt hậu môn hay chảy máu hậu môn trực tràng… cũng có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
Khi bị xuất huyết tiêu hóa, trẻ có thể có một số biểu hiện toàn thân như: Thiếu máu tùy theo mức độ mất máu; Khát nước, rối loạn tri giác khi mất một lượng máu lớn cấp tính. Trẻ cũng có thể thay đổi nhịp tim, huyết áp, thời gian phục hồi màu da (dấu hiệu refill)… vì bị sốc do giảm thể tích tuần hoàn.
Các bác sĩ khuyến cáo người chăm sóc trẻ cần theo dõi và đưa trẻ đi khám khi có một trong các dấu hiệu:
– Trẻ xuất hiện tình trạng thiếu máu: hoa mắt chóng mặt, da xanh, mệt mỏi
– Trẻ ăn, uống kém hoặc không chịu ăn
– Đau bụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua
– Vàng da vàng mắt, bụng chướng hoặc to hơn bình thường
– Khát nước nhiều
– Trẻ nôn ra máu – Phân có máu
Hy vọng từ những thông tin từ bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến sức khỏe của con. Khi có những dấu hiệu bất thường phải đưa con đi khám ngay để phát hiện bệnh kịp thời. Từ đó có thể ngăn ngừa và điều trị kịp thời các bệnh nguy hiểm có thể xảy ra.
👉 Để được tư vấn giải đáp các thắc mắc, quý khách vui lòng Inbox hoặc liên hệ tới số hotline 0225.3958.888
👉 Để đặt lịch khám trước, quý khách có thể truy cập: https://vih.vn/dat-hen-kham/
—————————
Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo 📌Địa chỉ: Khu phố Tân Hòa (chân cầu Nhân Mục),Thị trấn Vĩnh Bảo,Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng
☎️Hotline: 0225 3 958 888 – 0225 3 958 115
🌐Website: https://vih.vn/ 📧Email: cskh.vih@gmail.com
Leave a reply
Leave a reply