Từ xa xưa, trong dân gian đã lưu truyền rất nhiều phương pháp xông hơi giải cảm bằng những loại lá quen thuộc trong vườn nhà. Nhất là sau đại dịch Covid – 19, phương pháp xông hơi càng được lan truyền rộng rãi. Hiện nay, trong lúc thời tiết giao mùa, các bệnh cúm – cảm lạnh có xu hướng tăng nhanh. Dựa theo kinh nghiệm, một số người đã áp dụng phương pháp xông hơi tại nhà với mong muốn nhanh chóng đẩy lùi tình trạng bệnh, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết xông hơi trị cảm đúng cách nên có thể dẫn đến những tai biến, hậu quả đáng tiếc cho chính bản thân mình.

Vừa qua, khoa Ngoại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo đã tiếp nhận trường hợp anh N.T.Đ (sinh năm 1987, ở xã Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nhập viện vì bị bỏng nước sôi do xông hơi. Sau khi sơ cứu, người bệnh kể lại: anh bị sốt, mệt mỏi, đau người và ho thúng thắng 3 ngày nay. Trong gia đình có con nhỏ mới bị mắc cúm B. Bệnh nhân tự chuẩn bị các loại lá, đun lên để xông. Tuy nhiên, sau khi xông khoảng 5 phút, anh bị ngất đi và ngã vào nồi nước nước xông. Chỉ đến khi anh tỉnh lại và gọi người nhà mới được sơ cứu và đưa đi bệnh viện. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng mệt mỏi, đau rát nhiều các vết bỏng ở toàn bộ bàn tay phải, cánh cẳng tay trái và vùng gối, mặt trong cẳng chân trái.

Hiện tại, sau hơn một tuần điều trị tại khoa Ngoại bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn. Các vết bỏng đã lành, hết đau và vận động tốt.

Hình ảnh: Bệnh nhân ra viện

Đây chỉ là một biến chứng thường gặp của việc tự xông hơi nước lá tại nhà, ngoài ra còn một số biến chứng khác như: đột quỵ, rối loạn điện giải, hay xảy thai, thai lưu ở phụ nữ có thai…

Vậy để tránh những tai biến và tác dụng không mong muốn, khi thực hiện xông hơi tại nhà, cần lưu ý những điều sau:

– Không nên tăng nhiệt độ đột ngột trong lúc xông, giữ cho hơi nước chậm rãi thoát ra

– Đảm bảo thông khí, tránh tình trạng thiếu oxy khi xông

– Chỉ nên xông dưới 10 phút, không xông quá lâu khiến cơ thể mất nước

– Sau khi xông hơi xong không được tắm ngay vì rất dễ nhiễm lạnh, chỉ nên lau người bằng khăn ấm

– Xông hơi xong nên để người bệnh uống nhiều nước hoặc trà ấm và nghỉ ngơi ở phòng kín gió

– Không lạm dụng xông hơi, chỉ xông 1-2 lần trong một đợt và chỉ nên xông hơi trong 1-2 ngày đầu bị cảm

– Luôn có người giám sát trong quá trình xông hơi

Các trường hợp không nên xông hơi trị cảm:

– Người bị sốt siêu vi

– Người sốt cao, không khát nước, không sợ lạnh mà sợ nóng, ra nhiều mồ hôi

– Người cao tuổi già yếu, có thể trạng suy nhược, tiền sử tụt huyết áp, bệnh tim mạch hoặc cường giáp

– Trẻ nhỏ, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ đang mang thai hoặc vừa trải qua sinh nở

– Người đang bị sốt xuất huyết, tiêu chảy, mắc bệnh ngoài da, vừa uống nhiều rượu bia xong

Hi vọng qua bài viết trên đây, các bạn có thể nắm được những lưu ý quan trọng trong phương pháp xông hơi trị cảm để thực hiện xông hơi một cách an toàn và hiệu quả.

Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe!

?Để được tư vấn giải đáp các thắc mắc về ngoại khoa, quý khách vui lòng truy cập: https://www.facebook.com/KhoaNgoaiBenhviendakhoaquocteVinhBao

?Để đặt lịch khám trước, quý khách có thể truy cập: https://vih.vn/dat-hen-kham/

?Để tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ tại bệnh viện, quý khách vui lòng tham gia nhóm: https://www.facebook.com/groups/hoinhungnguoikhambenhtaibvdkqtvinhbao

—————————

Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng – Vĩnh Bảo

?Địa chỉ: Khu phố Tân Hòa (chân cầu Nhân Mục),Thị trấn Vĩnh Bảo,Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng

☎️Hotline: 0225 3 958 888 – 0225 3 958 115

?Website: https://vih.vn/

?Email: cskh.vih@gmail.com

Leave a reply